Sunday, February 3, 2013

BONE CEMENT - CỨU CÁNH CỦA NHỮNG TRƯỜNG HỢP MẤT XƯƠNG VÙNG MẶT



Tác giả : TS. BS. LÊ HÀNH - TRƯƠNG LOAN

Gần đây, Trung tâm Phẫu thuật Thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy (TTTM - CR) đã dùng Bone Cement - một loại cement sinh học - để tạo hình cho một số trường hợp mất mô xương vùng mặt. Ứng dụng có hiệu quả cao loại vật liệu sinh học này là một thành công đầy tính nhân văn của ngành phẫu thuật tạo hình vì giúp bệnh nhân có lại được gương mặt bình thường, xóa bỏ tâm lý mặc cảm trong cuộc sống.

rong năm 2003, TTTM-CR đã phẫu thuật điều trị di chứng vỡ sụp khối mũi trán, hốc mắt, xương hàm trên... cho 30 bệnh nhân trong độ tuổi từ 25-55 bằng vật liệu tạo hình là Endurance Bone Cement (Polymethyl Methacrylate) của Anh quốc. Các bác sĩ của trung tâm đã phối hợp với các bác sĩ chuyên khoa mắt, ngoại thần kinh để phẫu thuật và điều trị với nguyên tắc cơ bản là: Phục hồi đường nét cố hữu tự nhiên của khuôn mặt; Tránh sẹo bằng cách tận dụng đường sẹo cũ hoặc sử dụng những đường rạch ẩn trong tóc, trong miệng...; Cầm máu cẩn thận và áp sát bone cement vào nền nhận là mô xương đã được cố định tốt; Vô trùng tốt và dẫn lưu tích cực... Kết quả là 27/30 ca đạt mức tốt, 3 ca đạt mức khá; không có ca nào bị nhiễm trùng, chỉ có 1 ca tụ máu trong hố mổ được dẫn lưu ngay trong ngày và 1 ca chảy máu sau mổ do rối loạn đông máu.
Thật ra, bone cement đã được thế giới sử dụng từ năm 1958 trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình; rồi được dùng tạo hình xương sọ vào năm 1973 và từ đó đến nay đã được công nhận là vật liệu tạo hình đáng tin cậy. Tại Mỹ, bone cement là một trong 2 vật liệu chính được các phẫu thuật viên sử dụng thay thế mô xương. Riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trước đây trong phẫu thuật tạo hình, các ê kíp mổ đã sử dụng những vật liệu tương hợp sinh học như composite carbon, silicone, hydroxy apatite, gore-tex, san hô, titanium; Mô ghép đồng loại như xương, sụn, màng não...; Mô ghép tự thân như xương mào chậu, sụn sườn và gần đây là bone cement. Được biết, tại TPHCM, chỉ mới có TTTM-CR thực hiện phẫu thuật tái tạo khuyết hổng xương vùng mặt bằng bone cement. Với kết quả bước đầu khả quan như trên, nhiều người cho rằng bone cement có nhiều ưu điểm hơn so với những polymer, ceramics tạo hình đã được sử dụng. Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với TS. BS. Lê Hành - Phụ trách TTTM-CR và được biết bone cement là vật liệu tạo hình có nhiều ưu điểm; không chỉ dung nạp tốt, có độ cứng, độ chịu lực tốt, ít bị di lệch... mà quan trọng hơn cả là dễ tạo hình theo ý muốn.
Bone cement gồm hai thành phần là bột và dung môi. Khi trộn chúng với nhau theo tỷ lệ qui định sẽ tạo thành một loại bột nhão. Đặt vào nơi cần tạo hình, bột nhão này sẽ chảy vào và ôm sát mọi ngóc ngách của khuyết hổng và đông cứng trong khoảng 6 phút. Trong khoảng thời gian này, phẫu thuật viên sẽ tranh thủ tạo hình mặt ngoài sao cho khớp với những đường nét của xương sọ và mặt xung quanh. Nếu cần, phẫu thuật viên có thể dùng khoan để điêu khắc cho hoàn hảo những đường nét của mảnh ghép. Nhờ vậy, phẫu thuật đạt hiệu quả thẩm mỹ rất cao, mô ghép gần như không di lệch. Nếu dùng vật liệu không tạo hình được tại chỗ thì việc cố định và đẽo gọt mảnh ghép cho khớp với khuyết hổng tương đối khó thực hiện; vì thế dùng bone cement, phẫu thuật viên sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Ngoài ra, chi phí dùng bone cement thấp hơn nhiều so với dùng Titanium, Cobalt chromium alloy... Hơn nữa phần bột và dung môi của bone cement có thể dễ dàng chia nhỏ, sử dụng được cho những ca tạo hình thể tích nhỏ. Về hiệu quả sử dụng bone cement, một nghiên cứu vào năm 1998 ở Mỹ về việc dùng vật liệu tương hợp sinh học tạo hình hốc mắt cho thấy: Nhóm sử dụng kim loại có đến 4,4% có biến chứng và 3,3% phải tháo bỏ; Trong khi đó, nhóm dùng bone cement chỉ có 0,9% có biến chứng và 0,9% phải tháo bỏ. Tỷ lệ này khá lý tưởng và bone cement quả là cứu cánh thẩm mỹ cho những trường hợp khuyết hổng xương vùng mặt.

Dùng bone cement cũng có một tỷ lệ nhỏ bị thất bại nhưng điều đáng mừng là - theo TS. BS. Lê Hành - nếu biết cách khắc phục thì những nhược điểm này không ảnh hưởng gì đến kết quả phẫu thuật tạo hình. Nếu không được làm lạnh trước thì khi đông cứng, bone cement sẽ tỏa nhiệt, nhiệt độ có thể đạt tới 85-1050C và có thể làm rối loạn đông máu tại chỗ. Nếu được làm lạnh trước bằng nước muối sinh lý thì nhiệt độ tỏa ra ở mức dưới 500C, tương đối an toàn. Một nhược điểm nữa của bone cement là đông cứng nhanh, do đó phẫu thuật viên cần chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ và phải thao tác thật khéo léo, chính xác. Đòi hỏi phẫu thuật viên không chỉ giỏi về kiến thức y khoa mà còn phải có nhiều kinh nghiệm lâm sàng, khéo tay và có óc thẩm mỹ. Ngoài ra, để tái tạo những khuyết hổng sâu, phẫu thuật viên cũng cần biết cách ứng dụng kỹ thuật tạo hình trong không gian 3 chiều bằng CT-Scan để xác định hình dạng, độ lớn và vị trí của mảnh ghép cần thiết trên máy vi tính. Từ đó, chế tạo trước mảnh ghép, sẵn sàng cho việc đặt vào vùng khuyết hổng khi mổ.
Cùng với sự kiên nhẫn và đôi tay khéo léo của các phẫu thuật viên Việt Nam, vật liệu tạo hình tương hợp sinh học bone cement - tuy còn khá mới mẻ nhưng thực sự là cơ hội lớn giúp làm đẹp và tái tạo thẩm mỹ cho nhiều người, như bị tai nạn do chiến tranh, tai nạn giao thông hoặc do bất cẩn trong lao động...

No comments:

Post a Comment