Thursday, January 31, 2013

Giải Nobel y sinh học: Nhìn lại quãng đường 100 năm



http://upload.wikimedia.org/wikipedia/en/e/ed/Nobel_Prize.png
Ngày 03/10/2011, Hàn lâm viện Thụy Điển, theo thông lệ hàng năm, vừa công bố danh sách các nhà khoa học được trao giải Nobel về sinh lí học hay y học (physiology or medicine), mà trong bài viết này sẽ được đề cập ngắn gọn là “y sinh học”. Giải Nobel y sinh học năm 2011 được trao cho hai khám phá liên quan đến hệ miễn dịch. Gs Beutler (Mĩ) và Hoffmann (Pháp) được ghi nhận vì khám phá liên quan đến sự kích hoạt của hệ thống miễn dịch bẩm sinh hay nội miễn dịch (innate immunity). Phân nửa giải được trao cho Gs Steinmann vì khám phá liên quan đến hệ miễn dịch đáp ứng (adaptive immunity). Những khám phá này được đánh giá là đã mở ra nhiều xu hướng trong việc phát triển các liệu pháp điều trị và phòng chống các bệnh nhiễm, ung thư, và bệnh viêm. 
Nobel y học 2011 
Từ trái qua là hình ảnh của các nhà khoa học Beutler, Hoffmann và Steinman trong lễ công bố giải thưởng ngày 3-10 tại Stockholm, Thụy Điển - Ảnh: Getty Images

Có vài điều đáng chú ý trong giải thưởng Nobel y sinh học kỳ này. Thứ nhất là khuynh hướng khoa học trong việc chọn và đánh giá công trình nghiên cứu để trao giải Nobel trong những năm gần đây nghiêng về các nghiên cứu tế miễn dịch học và sinh học phân tử (molecular biology). Do đó, có thể nói, giới nghiên cứu miễn dịch học “được mùa” trong thời gian gần đây.
Thứ hai là khuynh hướng trao giải Nobel cho một nhóm nhà khoa học hơn là cho một cá nhân. Năm nay, có ba nhà khoa học được giải. Năm ngoái cũng có ba nhà khoa học được giải. Thực ra, tính từ đầu thập niên 90s cho đến nay, mỗi năm thường có ít nhất là hai nhà khoa học được trao giải, trong khi thời gian trước đó giải thưởng thường chỉ trao cho một nhà khoa học.
Thứ ba là vấn đề trao giải cho người đã qua đời.Theo qui định lâu đời, giải Nobel không được trao cho người đã qua đời. Khi xét duyệt trao giải thì Giáo sư Steinman vẫn còn tại thế, nhưng khi giải thưởng được công bố hôm qua thì ông đã qua đời 3 ngày. Giải thích về tình huống “éo le” này, thư kí của Hội đồng Giải Nobel, Göran Hansson, cho biết rằng Hội đồng không bao giờ báo cho ứng viên hay người được trao giải biết trước quyết định trao giải. Ngoài ra, sau khi công bố ngày hôm qua, Hội đồng liên lạc với ông Steinman (nhưng dĩ nhiên là không được), sau đó họ gửi email và con gái của ông Steinman trả lời thì mới biết ông đã qua đời! Nhưng nếu trao giải cho Steinman thì Ủy ban giải Nobel sẽ khó giải thích quyết định của họ trong quá khứ (một số người đáng lẽ được giải nhưng vì đã qua đời nên không được giải).
Sau cùng, một lần nữa, sự vắng mặt của một nữ khoa học gia trong danh sách những người được giải Nobel chắc sẽ làm nhiều người đấu tranh cho bình đẳng giới tính trong khoa học không hài lòng. Quả vậy, ngày nay có khoảng 40% các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực y sinh học là phụ nữ, nhưng số lượng nữ khoa học gia được trao giải thưởng cao quí như giải Nobel chỉ đếm đầu ngón tay. Những người tranh đấu cho bình đẳng giới tính phàn nàn rằng có tình trạng kì thị giới tính trong các giải thưởng, nhưng qua nhiều năm tình trạng này vẫn còn là một vấn đề tế nhị.
Để hiểu rõ ý nghĩa của những khía cạnh trên đây, bài viết này sẽ sơ lược về lịch sử và các thủ tục cũng như các tiêu chuẩn trong việc tuyển chọn, bình bầu, và trao giải Nobel trong vòng 100 năm qua.
Ngược dòng lịch sử
Người ký tên dưới đây, Alfred Bernhard Nobel, sau nhiều suy nghĩ và cân nhắc, tuyên bố những điều sau đây như những ý nguyện cuối cùng và như một bản di chúc sau cùng liên quan đến gia tài tôi để lại sau khi qua đời ...,” đó là những dòng chữ mở đầu bản di chúc cuối cùng của Nobel, một nhà khoa học và kỹ nghệ người Thụy Điển. Theo di chúc này, hàng năm, lãi suất của gia sản do Nobel để lại sẽ được chia làm năm phần để tặng cho những người đã có cống hiến lớn cho nhân loại trong năm vừa qua. Ông chọn ra 4 ngành khoa học để trao giải: vật lí, hóa học, văn chương, và các hoạt động cho mục tiêu hòa bình. Cũng theo di chúc đó, một trong những giải thưởng ông có ý dành cho những nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực sinh lí học hoặc y khoa. Sau này, giải thưởng về kinh tế học cũng được đưa vào hệ thống giải Nobel.
Sau khi được công bố, nhiều người phê phán khía cạnh pháp lí của bản di chúc. Có người cho rằng bản di chúc quá đơn giản, quá chung chung. Ngay cả trong gia đình của Nobel cũng có tranh cãi: một số người cháu của Nobel kiện nhau ra tòa và phải mất một thời gian khá lâu mới giải quyết xong cuộc tranh chấp.
Vai trò của Viện Karolinska và Ủy ban Nobel
Như nói rõ trong di chúc của Nobel, ông muốn Viện nghiên cứu Karolinska đứng ra tổ chức trao giải thưởng về y sinh học. Trong những năm đầu thế kỷ, công việc này do một nhóm giáo sư (gồm 19 người) thuộc Viện đảm nhiệm. Nhưng trong thực tế, một nhóm nhỏ gồm chỉ 3 thành viên đứng ra tuyển chọn và bình bầu các ứng viên. Một trong ba người này là Chủ tịch của Viện nghiên cứu Karolinska. Trong vòng 42 năm liền, giải Nobel về y sinh học chỉ do 3 người này tuyển chọn và trao giải. Đến năm 1960, người ta thấy việc tuyển chọn và bình bầu cần được cải cách, và theo đó, một ủy ban mới, gồm 61 giáo sư, ra đời để đảm nhận nhiệm vụ tuyển chọn, bình bầu, và trao giải. Ngoài ra, trong ủy ban này còn có thêm các nhân viên giảng dạy trong các trường đại học mà không nhất thiết phải mang hàm “giáo sư” (Professor), nhưng có thể là “Phó giáo sư” (Associate Professor), hay “Giảng sư” (Senior Lecturer). Do đó, ủy ban này có số nhân sự lên đến 200 thành viên. Với một nhóm người đông đảo như thế, vấn đề bất đồng ý kiến và tranh chấp là chuyện không thể tránh khỏi. Sau đó, một đạo luật ra đời bắt buộc ủy ban này phải công bố tất cả các văn thư liên quan đến việc tuyển chọn và bình bầu ứng cử viên cho công chúng biết, chứ không làm việc trong vòng bí mật như trước đây.
Nhưng sau một thời gian hoạt động, cách công bố này không đem lại hiệu quả như người ta mong muốn, nên đến năm 1977, Hội đồng Nobel (“The Nobel Assembly”) được thành lập và hoạt động cho đến nay. Hội đồng Nobel gồm có 50 đại biểu, tất cả đều mang hàm giáo sư, và không một ai hơn 65 tuổi. Hội đồng Nobel thành lập một Ủy ban Nobel (Nobel Committee), gồm có 5 người được tuyển chọn từ Hội đồng Nobel. Mỗi thành viên trong Ủy ban Nobel chỉ được quyền phục vụ trong vòng 3 năm. Trong thực tế, Hội đồng Nobel chỉ là một cơ quan đại diện, vì tất cả mọi việc tuyển chọn ứng viên đều do Ủy ban Nobel chịu trách nhiệm.
Thời điểm và quá trình tiến cử cũng như bình bầu giải Nobel y sinh học được duy trì trong suốt 100 năm qua. Hàng năm cứ đến tháng Chín, Ủy ban Nobel gửi thư đến khoảng 2500 đến 3000 nhà khoa học trên khắp thế giới để mời họ tiến cử người nên được trao giải Nobel. Thời hạn chót mà các nhà khoa học tiến cử là ngày 31 Tháng Giêng năm sau. Một khi đã lên danh sách những người được tiến cử, Ủy ban Nobel sẽ trao danh sách này cho một nhóm gồm 10 người (trong Hội đồng Nobel) để họ xem xét thêm. Sau đó, nhiều cuộc họp sẽ diễn ra giữa thành viên của Ủy ban Nobel và nhóm 10 người này để bàn thảo, đánh giá các công trình nghiên cứu của các ứng viên được đề cử. Đến tháng 10, Hội đồng Nobel (50 người) mới họp và bỏ phiếu cho từng ứng viên. Cố nhiên, ứng viên nào có nhiều phiếu nhất sẽ được giải năm đó.
Tiêu chuẩn tuyển chọn
Giải Nobel do Viện nghiên cứu y khoa Karolinska thường được gọi là Giải Nobel về y học, nhưng trong bản di chúc của Nobel thì ông chỉ đề cập đến sinh lí học hay y học (physiology or medicine). Sở dĩ có sự khác biệt nhỏ này là vì vào thời ông Nobel còn sống, sinh lí học được dùng để mô tả một bộ môn học mà ngày nay chúng ta có thể gọi chung là sinh vật học (biology). Cách diễn dịch “sinh lí học hay y học” tạo điều kiện dễ dàng cho ủy ban tuyển chọn và phát giải thưởng cho các nhà khoa học làm việc trong các bộ môn như lâm sàng, sinh vật học, công nghệ sinh học, v.v… Cho dù cách phân biệt và định nghĩa thế nào là sinh lí học, hay thế nào là y học sẽ còn trong vòng tranh luận trong vài thế kỷ tới, nhưng nhìn qua lĩnh vực nghiên cứu của các nhà khoa học từng được giải thưởng này trong vòng 100 năm qua cho thấy ủy ban tuyển chọn và trao giải Nobel tỏ ra khá “phóng khoáng” với định nghĩa “sinh lí học hay y học”. Chẳng hạn như giải Nobel năm 1973 được trao cho Karl von Frisch, Konrad Lorenz, và Nikolaas Tinbergen vì có công “phát hiện cơ cấu tổ chức và mối tương tác giữa cá nhân và khuynh hướng xã hội” có thể liệt vào một công trình mang tính xã hội học hay ít ra là tâm lí học. Giải thưởng năm 1979 cho Cormack và Hounsfield về công trình phát triển hệ thống CAT, tức là hệ thống X-ray dùng computer (còn gọi là computer-assisted tomography) có thể được xem là một công trình nghiên cứu vật lí học. Hay giải Nobel năm 1983 cho Barbara McClintock về công trình khám phá các yếu tố di chuyển của di truyền tố có thể được xem là nằm trong bộ môn di truyền thực vật.
Hai chữ quan trọng trong tiêu chuẩn này là “discovery” (khám phá, phát hiện), và “greatest benefit on mankind” (lợi ích lớn nhất cho nhân loại). Thực vậy, những người thừa kế và thi hành bản di chúc Nobel đã từng tranh luận, bàn cãi chi tiết về hai tiêu chuẩn này sau khi Nobel qua đời. Nhưng sau cùng họ không đi đến một tiêu chuẩn nào cụ thể, không đồng ý với nhau một bản chỉ dẫn nào cụ thể. Cuối cùng, họ để quyền quyết định cho Ủy ban Nobel diễn dịch hai cụm từ trên sao cho phù hợp nhất! Một vấn đề phức tạp khác là cách dùng chữ khác nhau của ông Nobel trong di chúc. Đối với ngành vật lí ông dùng chữ “discovery and invention” (khám phá và sáng chế), trong khi trong ngành hóa học ông dùng chữ “discovery or improvement” (khám phá hay cải tiến).
“Discovery” hay khám phá thì dễ định nghĩa trong các ngành khoa học cơ bản, nhưng trong các ngành như khoa học lâm sàng thì định nghĩa thế nào là một “khám phá” không dễ chút nào. Khám phá thường được định nghĩa là những phát hiện mang tính bất ngờ, đem lại kiến thức mới cho nhân loại. Mặt khác, cụm từ “greatest benefit on mankind” thì rất dễ định nghĩa trong khoa học lâm sàng, nhưng đối với khoa học cơ bản thì lại rất khó định nghĩa. Một khám phá về cơ cấu vận hành của một tế bào trong khoa học cơ bản có thể không có ý nghĩa lâm sàng nào trong vòng 20 năm, nhưng lại có thể đem đến lợi ích cho bệnh nhân về lâu về dài. Để dung hòa cái khó khăn này, Ủy ban Nobel thường trao giải thưởng cho những khám phá nào có tính cơ bản nhất, original nhất.
Charle Nicolle được trao giải năm 1928 do công trình nghiên cứu về bệnh sốt Rikettsia, và nhờ vào công trình này mà hàng trăm ngàn người được cứu sống trong thời thế chiến thứ nhất. Paul Hermann Muller nhận giải năm 1948 do công trình nghiên cứu và phát hiện hóa chất dichloro-diphenyl-trichloromethylmethane (DDT), một hóa chất diệt cỏ và sâu bọ. Trong và sau thế chiến thứ hai, DDT không những được dùng để chống lại các bệnh như bệnh sốt Rikettsia, mà còn là một loại vũ khí lợi hại chống lại bệnh sốt rét. Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization) ước tính rằng trong thời gian dùng DDT, hơn 25 triệu người đã được cứu sống. Ngày nay, có người đề nghị tẩy chay DDT vì họ cho rằng nó có thể làm ô nhiễm và độc hại đến môi trường. Nhưng vào lúc mà giải thưởng được trao tặng, lợi ích của DDT cho nhân loại là một điều quá hiển nhiên. (Thực ra, ngay cả ngày nay cũng chưa có bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy DDT độc hại đến môi trường).
Bản di chúc còn nhấn mạnh là giải thưởng chỉ dành cho những công trình nghiên cứu trong năm vừa qua (preceeding year). Nhưng trong thực tế, cái tiêu chí này rất khó mà thực thi. Thứ nhất, những khám phá được công bố trong các tập san khoa học chuyên môn thường tốn hơn một năm. Thứ hai, tất cả những khám phá khoa học đều phải qua sự kiểm tra của giới nghiên cứu khoa học trong ngành thì mới có thể đáng tin cậy được, và quá trình kiểm tra này thường tốn hơn một năm, thậm chí cả 5 năm. Để giải quyết cái khó khăn tế nhị này, Ủy ban Nobel quyết định diễn dịch chữ “preceeding year” là các khám phá mà lợi ích của chúng được chứng minh rõ ràng trong năm qua. Bà Barbara McClintock khám phá các yếu tố di truyền trong thực vật từ năm 1944, tức là trước khi Francis Crick và James Watson khám phá cấu trúc DNA vào năm 1953. Tuy nhiên, mãi đến năm 1983 giải thưởng Nobel tới tay bà McClintock!
Như đề cập trên, một trong những phê bình của bản di chúc Nobel là nó quá chung chung. Do đó, khi soạn thảo các qui định để trao giải thưởng, người ta phải cố làm cho nó cụ thể hơn. Một trong những qui định đó là trong bất cứ trường hợp nào, giải thưởng chỉ được chia xẻ trong vòng 3 người trở lại. Nói một cách khác, số người nhận giải thưởng về một bộ môn chỉ 3 người hay ít hơn. Qui định này cũng có nghĩa là một số người xứng đáng được giải phải bị … loại ra. Trong thực tế, có khi cả một nhóm nghiên cứu bị loại bỏ trong quá trình chọn và trao giải.
Giải Nobel về y sinh học thường được chia sẻ giữa hai người, nhất là trong thời gian sau bán thế kỷ 20, khi mà sự hợp tác nghiên cứu càng ngày càng trở nên phổ thông. Tính từ năm 1901 đến 1950, có 59 nhà khoa học được trao giải Nobel; nhưng từ 1951 đến 2000, có 113 nhà khoa học được trao giải. Điều này cũng dễ hiểu vì trong những công trình nghiên cứu lớn, một cá nhân riêng lẻ không thể nào có đủ khả năng để tiến hành nghiên cứu, mà cần phải có một sự hợp tác - thường là xuyên quốc gia - để hoàn tất công trình nghiên cứu.
Những lằn ranh biên giới khó định
Giải Nobel do Viện Karolinska trao hàng năm trên danh nghĩa là dành cho những công trình nghiên cứu về y sinh học như di chúc của ông Nobel viết, nhưng trong thực tế phân biệt những khác biệt giữa các công trình vật lí học, hóa học, sinh học, và y học không phải lúc nào cũng rõ ràng. Ông Rontgen được trao giải Nobel vật lí, nhưng công trình nghiên cứu của ông lại mang tính ứng dụng trong hóa học và y khoa. Schrodinger (giải Nobel vật lí năm 1933) và Bohr (Vật lí, 1922) là hai nhà khoa học từng thuyết phục giới nghiên cứu sinh học rằng quá trình của sự sống có thể phân tích bằng nguyên tử (atoms) và phân tử (molecules), và qua đó mà môn học sinh học phân tử ra đời và phát triển mạnh như ngày nay. Tương tự, Delbruck (giải Nobel y sinh học, 1969), một nhà vật lí học, nhưng quay sang nghiên cứu về sinh học và đã có nhiều cống hiến trong bộ môn di truyền học.
Có thể nói rằng, một số nhà khoa học được trao giải Nobel hóa học đáng lí ra nên được trao giải về y sinh học. Ông Buternandt (giải Nobel hóa học, 1939) được ghi nhận là có công khám phá kích thích tố dục (sex hormones), một đề tài “rất sinh lí học”; ông Hevesy (Nobel hóa học, 1943) có công giới thiệu các phương pháp hóa học vào nghiên cứu y học; ông Sanger (được 2 giải Nobel về hóa học) cũng do các công trình nghiên cứu liên quan đến công nghệ sinh học (biotechnology) như chúng ta biết ngày nay. Năm 1958, ông nhận giải Nobel hóa học lần đầu về công trình liên quan đến cấu trúc của insulin, rồi đến năm 1980, ông lại nhận một giải Nobel hóa học thứ hai về phương pháp phân tích nucleic acids. Tương tự, Dorothy Hodgkin có công xác định cấu trúc sinh hóa bằng phương pháp quang tuyến X, và được trao giái Nobel hóa học năm 1964; Mitchell (Nobel hóa học, 1978) nghiên cứu quá trình biến chuyển sinh năng lượng (bioenergy) và cho ra đời thuyết chemiosmotic.
Để kết hợp công việc của Ủy ban Nobel trong ngành y sinh học và các Ủy ban Nobel trong các ngành vật lí và hóa học, một hội nghị liên ủy ban được tổ chức hàng năm để đánh giá và phân định ứng viên nên nhận giải Nobel cho ngành nào, và quan trọng hơn là để tránh tình trạng một ứng viên mà nhận hai giải Nobel trong cùng năm! (Trong thực tế, hiện tượng này chưa xảy ra.)
Khuynh hướng
Tính từ năm 1901 đến 2002, có 178 nhà khoa học được trao giải thưởng Nobel về y sinh học. Bảng thống kê sau đây [1] cho thấy lĩnh vực nghiên cứu của các nhà khoa học này.

Truyền nhiễm học và trừ sâu:                          12
Miễn dịch học (Immunology)                          19
Hóa học trị liệu và dược học                          9
Quang tuyến trị liệu (Phototherapy)                2
Ung thư                                                         8
Di truyền học (cổ điển)                                  3
Tế bào sinh học (cell biology)                         7
Phát triển sinh học                                          4
Sinh học phân tử và di truyền học                   29
Nội tiết học                                                   20
Nghiên cứu kích thích tố                                11
Nghiên cứu sinh tố (vitamin)                           7
Tiêu hóa, tuần hoàn, hô hấp                           7
Tâm thần học                                                 24
Giải phẫu                                                       3
Nghiên cứu giác quan                                    8
Tâm lí y học                                                   3
Nghiên cứu về chẩn đoán                               2

Nếu tính theo số lượng nhà khoa học thì giải Nobel có khuynh hướng trao cho các công trình nghiên cứu liên quan đến sinh học phân tử, và kế đó là tâm thần học, nội tiết học và miễn dịch học.
Nhìn qua các công trình khoa học được trao giải này cũng có thể cho người ta một một khái niệm về quá trình tiến bộ của y học. Từ những nghiên cứu có tính lâm sàng (clinical) hay tương đối “sơ sài” (so với trình độ kỹ thuật ngày nay), nghiên cứu y khoa đã tiến sâu vào lĩnh vực cơ bản nhất của con người như di truyền phân tử học (molecular genetics) và sinh học phân tử (molecular biology). Năm 1901, ông Emil Adolf von Behring (người Đức) đoạt giải này vì đã các công trình nghiên cứu và chữa trị bệnh bạch hầu (diphtheria). Hàn lâm viện Thụy Điển đánh giá công trình này rất cao, họ viết: “[qua nghiên cứu này], ông đã mở ra một hướng đi mới trong lĩnh vực y khoa, và bằng cách đó, đã cho các y sĩ một vũ khí hữu hiệu để chinh phục bệnh tật và sự tử vong” (tạm dịch từ "[by which] he has opened a new road in the domain of medical science and thereby placed in the hands of the physician a victorious weapon against illness and deaths.") Năm 1902, giải thưởng được trao cho một nhà khoa học người Anh, ông Ronald Ross (sau này được phong "Sir," tức hiệp sĩ) vì những công trình nghiên cứu liên quan tới bệnh sốt rét (malaria). Những năm sau đó, các khoa học được tặng giải thưởng nhờ vào nghiên cứu liên quan tới bệnh lao (1905; Robert Koch, người Đức), sốt ban (typhus) (1928; Charles Nicolle, người Pháp); phân loại máu (1930; Karl Landsteiner, người Mĩ), bệnh truyền nhiễm (1945; Alexender Fleming, Mĩ; Ernst Boris Chain, Anh; Howard Walter Florey, Úc), sốt vàng (1951; Max Theiler, người Mĩ), chữa trị bệnh lao bằng thuốc streptomycin (1952; Salman Abraham Waksman, Mĩ).
Bắt đầu từ năm 1958, nghiên cứu về di truyền học đã được sự chú ý của Hàn lâm viện Thụy Điển qua việc trao giải thưởng cho ba nhà khoa học người Mĩ, George Wells Beadle, Edward Lawrie Tatum, và Joshua Lederberg, vì đã có công khám phá ra một quy luật quan trọng trong di truyền học (genetic recombinant) trong vi khuẩn.
Các giải Nobel về y khoa và sinh lí học sau này thường được trao cho các công trình nghiên cứu liên quan tới khoa học sinh học phân tử (molecular biology). Năm 1961, giải Nobel về y khoa và sinh lí học được trao cho ba nhà khoa học là Francis Harry Compton Crick (Anh), James Dewey Watson (Mĩ) và Maurice Hugh Frederick Wilkins (Anh) vì đã có khám phá nổi tiếng về DNA, làm tiền đề cho hàng triệu nghiên cứu và tiến bộ về sinh học y khoa sau nàỵ Kể từ đó, giải thưởng nghiên về các công trình mang bản chất sinh học phân tử (molecular biology) và di truyền (genetics). Năm 1978, Hàn lâm viện Thụy Điển trao giải thưởng cho ba nhà khoa học Werner Arber (Thụy sĩ), Daniel Nathans (Mĩ) và Hamilton O. Smith (Mĩ) do đã có công khám phá ra các enzymes và những ứng dụng vào nghiên cứu di truyền học. Sự tiến bộ trong sinh học phân tử và di truyền học những năm gần đây phần lớn nhờ vào các kỹ thuật PCR (polymerase chain reaction) do hai nhà khoa học Mĩ (Kary Mullis) và Gia Nã Đại (Michael Smith) khám phá, và đã được trao giải thưởng Nobel về hóa học vào năm 1993. Kể từ năm 1999 cho đến nay thì giải này vẫn được trao tặng cho một công trình mang nặng tính chất sinh học phân tử, nhất là các công trình liên quan đến tế bào học.
Trong di chúc của Nobel ông có viết cụ thể là các giải thưởng Nobel sẽ được trao cho các nhà khoa học với những công trình nghiên cứu xuất sắc, mà không phân biệt quốc tịch của nhà khoa học. Khi nội dung của bản di chúc được công bố, một số người phê bình là ông Nobel không có lòng yêu nước, thiếu tinh thần quốc gia. Câu hỏi được đặt ra là trong vòng hơn 100 năm qua, giải Nobel có thiên vị về các nhà khoa học người Thụy Điển hay không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta có thể xét qua bảng thống kê [1] sau đây về số lượng nhà khoa học được trao giải Nobel theo quốc tịch và theo vài thời gian nhất định:
                              1901-25        1926-50     1951-75      1976-2002
Mĩ                                 1              13              32              42
Đức                              5                3                3                4
Anh                               2                7              10                8
Pháp                             2                1                3                1
Các nước khác            13              12                9                7
Tổng cộng                   23              36              57              62

Trong số 178 nhà khoa học được trao giải Nobel về y sinh học, chỉ có 9 người là công dân Thụy Điển và 4 người Đan Mạch. Thụy Sĩ, một quốc gia có số dân chỉ bằng phân nửa Thụy Điển, nhưng có đến 8 nhà khoa học được giải Nobel. Riêng Úc có 3 nhà khoa học được giải Nobel.
Trong thực tế, tất cả các nhà khoa học được giải Nobel đều làm việc hoặc ở Mĩ, hoặc ở Âu châu. Sau Thế chiến thứ hai, Mĩ đứng đầu danh sách giải Nobel về y sinh học. Vào thập niên 1930s, khi mà Đức quốc xã cầm quyền, nhiều nhà khoa học, phần lớn là gốc Do Thái, di cư sang Mĩ hay Âu châu, và chính họ là những người đã có công làm cho nền khoa học của Mĩ tiến bộ một cách vượt bực. Trong số 32 nhà khoa học Mĩ chiếm giải Nobel về y sinh học từ 1951 đến 1975, có đến 9 người là di dân từ nước ngoài.
Còn các quốc gia Á châu? Ngoại trừ một người Nhật, ông Susumu Tonegawa (giải Nobel năm 1987) thuộc trường MIT (Mĩ) chưa có người Á châu nào được tặng giải Nobel về y sinh học. Điều này cũng đáng ngạc nhiên, vì nói chung, người châu Á, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ có mặt hầu như trong mọi bộ môn y khoa. Nhiều người cũng rất xuất sắc, là những nhà khoa học hàng đầu trong chuyên ngành. Ấy thế mà sự hiện diện của người Á châu trong giải Nobel y khoa hầu như không đáng kể. Điều này không có nghĩa là các khoa học gia Á châu không thông minh, hay thiếu sáng tạo, mà có thể phản ánh quá trình chọn lựa và bình bầu người xứng đáng.
 Trường đại học hay viện nghiên cứu nào có nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel? Trong ngành y sinh học, chỉ 15 trường đại học (8 ở Mĩ) chiếm khoảng 42% trong số 173 giải cho ngành này. Dẫn đầu là trường đại học Harvard, với 11 giải, kế tiếp là trường đại học Luân Đôn (9 giải). Các trường khác mỗi trường chiếm 5 giải như California Institute of Technology (Mĩ), Max-Planck-Gesellschaft (Đức), University of Oxford (Anh), Massachusetts Institute of Technology (Mĩ), Institut Pasteur Paris (Pháp), Rockefeller Institute for Medical Research (Mĩ). Những trường khác có từ 3 giải trở lên là Rockefeller University (Mĩ), Karolinska Institute Stockholm (Thụy Điển), University of Cambridge (Anh), National Institutes of Health (Mĩ), University of Texas at Dallas (Mĩ), University of Wisconsin, Madison (Mĩ) và Washington University, St. Louis (Mĩ).
Thiếu sót và nhầm lẫn
Cũng như bất cứ cuộc tuyển chọn nào, nhất là trong một thời gian hơn một thế kỷ, mà lại đúng tuyệt đối. Trong thời gian qua, đã có khá nhiều phê bình, và những phê bình này tập trung vào ba điểm chính: thiếu sót, nhầm, và thiên vị đàn ông. Phê bình nào cũng có cơ sở. Về vấn đề thiếu sót thì quả là không thể nào tránh khỏi, vì mỗi năm Ủy ban Nobel chỉ trao giải cho tối đa là ba nhà khoa học; do dó, những người khác, dù có cống hiến xuất sắc, bị “lọt sổ”. Một trường hợp tiêu biểu cho sự thiếu sót là trường hợp của ông Oswald T. Avery. Ông Avery là người đầu tiên khám phá và định nghĩa DNA là một chất liệu di truyền. Ông công bố khám phá này vào năm 1944. Trong thời gian từ 1932 đến 1942, Avery đã được tiến cử nhiều lần như không được trao giải. Kể từ năm 1945, ông được tiến cử hàng năm, nhưng thời gian đó, giới nghiên cứu khoa học chưa chịu nhìn nhận thuyết của Avery vì họ không nghĩ là DNA chỉ đơn giản có 4 mẫu tự mà lại có chức năng “chất liệu di truyền”, họ nghĩ protein mới chính là chất liệu di truyền. Đến khi (sau này) cộng đồng khoa học chấp nhận ý tưởng của Avery thì ông đã qua đời, và Ủy ban Nobel không có lệ trao giải thưởng cho người đã chết!
Về vấn đề nhầm lẫn, có thể lấy ba ví dụ điển hình: Banting và MacLeod (1923), Fibiger (1926), và Moniz (1949). Hai ông Banting và MacLeod được trao giải Nobel nhờ vào công trình nghiên cứu về insulin, và giải thưởng này đã bị chất vấn ngay từ lúc Hội đồng Nobel công bố. MacLeod là giáo sư và trưởng phòng thí nghiệm, nơi mà Banting và một đồng nghiệp trẻ tuổi tên là Charles Best làm việc. Hai người có công khám phá insulin là Banting và Best (vì lúc đó MacLeod không có mặt trong phòng thí nghiệm vì ông đi công tác xa). Thế nhưng trớ trêu thay, chỉ có Banting và MacLeod, mà không phải Banting, là người được trao giải! (Thực ra, sau này Best cũng được tiến cử nhiều lần, nhưng ông không có cơ duyên được trao giải.).
Năm 1926, quyết định trao giải Nobel cho Fibiger về công trình nghiên cứu ung thư spiroptera (hay spiroptera carcinoma) cũng bị chỉ trích gay gắt. Thời đó, ít ai biết về cơ chế gây ra ung thư. Mãi đến 40 năm sau, giải Nobel mới được trao cho một công trình nghiên cứu ung thư khác, và lúc đó, người ta mới hiểu về mã di truyền, đột biến, vi khuẩn, và các cơ chế sinh học khác.
Năm 1949 giải Nobel được trao cho một bác sĩ giải phẫu (Moniz) vì phẫu thuật thùy não, hay lobotomy (hay còn gọi là leucotomy) trong việc chữa trị chứng lọan thần kinh (psychotic). Trước khi phẫu thuật được ứng dụng, bệnh nhân phải chịi nhiều cực hình như “nhốt” trong một lồng sắt (straitjackets), tắm bằng nước lạnh, rồi mới đến giải phẫu và giật điện. Khi thuốc được dùng để chữa trị thì phẫu thuật này đã trở thành một phương pháp của quá khứ. Ngày nay phẫu thuật thùy não được xem là một phẫu thuật phi đạo đức.
Về giới tính, chỉ có 6 trong số 178 vị tú Nobel là phụ nữ: Gery T. Cori (1947), Roslyn Yalow (1977), Barbara McClintock (1983), Rita Levi-Montalcini (1986), Gertrude B. Elion (1988), và Chritiane Nusstein-Volhard (1995). Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên, vì trong nghiên cứu y sinh học, nam giới đóng vai trò “thống trị” trong vòng một thế kỷ qua.
Vài nhận xét
Các giải Nobel về y sinh học trong thế kỷ qua đánh dấu nhiều tiến bộ trong ngành y sinh lí học. Nhưng những giải thưởng Nobel không thể nào phản ánh đầy đủ quá trình chinh phục bệnh tật và kéo dài tuổi thọ của con người. Như trình bày trong bài viết này, nhầm lẫn và thiếu sót đã từng xảy ra. Nhưng uy tín của giải Nobel không vì thế mà suy giảm; cho đến nay, nó vẫn là một thước đo về tiến bộ y sinh học có độ tin cậy cao nhất. Lí do đơn giản là giải thưởng được cộng đồng khoa học tiến cử, bình bầu, và tuyển chọn một cách công bằng nhất.
Một trong những nguyện vọng của Nobel là phần thưởng tài chính của giải Nobel sẽ tạo điều kiện cho các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu mà không phải canh cánh lo lắng tình trạng tài chính cá nhân (phần lớn các nhà khoa học rất nghèo). Nhưng cái ước nguyện đó xem ra không thành sự thực trong bối cảnh kinh tế ngày nay. Tuổi trung bình của các vị tú Nobel là 55 tuổi, và trong độ tuổi này, phần lớn họ đã có một sự nghiệp ổn định, nếu không muốn nói là khá vững vàng, trên trường khoa học. Ngoài ra, nghiên cứu y học ngày nay, cũng như nghiên cứu vật lí và hóa học, đòi hỏi một ngân sách lớn, với sự cộng tác của nhiều nhà khoa học. Giải Nobel tuy có giá trị tài chính tương đối cao (khoảng 1 triệu Mĩ kim), nhưng không thấm vào đâu cho một ngân sách nghiên cứu y học trong thế kỷ 21.
Dù sao đi nữa, giải Nobel vẫn là một cái đích, một mục tiêu vinh quang, một động cơ đáng kể cho các nhà khoa học muốn vươn tới để góp phần đem lại lợi ích cho nhân loại.
Chú thích:
[1] Số liệu trong bảng thống kê này được trích từ một chương trong cuốn sách “The Nobel Prize: The First 100 Years” (soạn giả Agneta Wallin Levinovitz và Nils Ringertz) của tác giả Jan Lindsten và Nils Ringertz, Nhà xuất bản Imperial College Press và World Scientific Publishing Co. Pte. Ltd., 2001.
Có thể xem bài về dendritic cell ở đây: Steinman RM, Hemmi H. Dendritic cells: translating innate to adaptive immunity. Curr Top Microbiol Immunol 2006;311:17-58.
Về ba nhà khoa học được giải Nobel năm nay:
Bruce A. Beutler là một nhà miễn dịch học và di truyền học. Ông sinh ngày 29/12/1957. Hiện nay, ông là giáo sư và chủ nhiệm bộ môn di truyền học tại Viện nghiên cứu Scripps (San Diego, California). Breutler có một quá trình học tập phi thường. Tốt nghiệp cử nhân năm 18 tuổi, tốt nghiệp bác sĩ năm 23 tuổi. Năm 1986 ông được bổ nhiệm Assistant Professor của Đại học Texas (Dallas); năm 1996 ông được bổ niệm Associate Professor (phó giáo sư); và năm 2000 (tức mới 43 tuổi) trở thành giáo sư thực thụ của Viện nghiên cứu Scripps. Ông xuất thân từ một gia đình “nòi”, với thân phụ của ông cũng là bác sĩ y khoa và là một nhà di truyền học và từng là chủ nhiệm bộ môn di truyền học tại Scripps.
Jules A. Hoffmann là công dân Pháp, sinh ở Luxembourg ngày 2/8/2941. Ông giữ chức vụ giám đốc nghiên cứu của CNRS. Năm 2007, ông được bổ nhiệm làm chủ tịch Viện hàn lâm khoa học Pháp. Ông tốt nghiệp tiến sĩ từ Đại học Strasbourg năm 1969, làm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Viện nghiên cứu sinh hóa Philipps-Universitat (Đức) từ 1973-1974. Ông là thành viên của Viện hàn lâm khoa học Đức và Nga.
Ralph M. Steinman là người quốc tịch Mĩ, gốc Canada (sinh ở Montréal, ngày 14/1/1943), là một nhà miễn dịch học và sinh học phân tử. Ông tốt nghiệp cử nhân từ Đại học McGill (Canada) năm 1963, tốt nghiệp bác sĩ từ Đại học Harvard năm 1968. Sau đó ông làm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Đại học Rockefeller vào năm 1970, đến năm 1973 ông khám phá ra và đặt tên Dendritic Cell (tế bào nhành cây). Năm 1972, ông được bổ nhiệm chức danh Assistant Professor (giảng viên); năm 1976 là phó giáo sư; và 1988 trở thành giáo sư thực thụ.

Wednesday, January 30, 2013

Axit folic bảo vệ trẻ khỏi ung thư máu



Có thể dùng axit folic từ vài tháng trước khi mang thai.

Việc phụ nữ có thai dùng axit folic và sắt bổ sung sẽ giúp giảm 60% nguy cơ khởi phát bệnh ung thư máu ở con cái họ sau này. Sắt sử dụng một mình chỉ giảm được 25% nguy cơ đó.

Đây là kết luận của các nhà khoa học ở Tây Australia, đăng trên tạp chí Lancet. Điều tra được thực hiện trên 83 trẻ bị bệnh bạch cầu cấp thể nguyên bào lympho (ALL) và 166 trẻ bình thường.
ALL là căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở những nước phát triển, nhưng còn chưa rõ các yếu tố gây nguy cơ. Phát hiện này khẳng định thêm kết luận của giáo sư Mel Greaves, Quỹ Nghiên cứu Bệnh bạch cầu (Anh), rằng ALL bắt nguồn từ một biến đổi di truyền từ thời kỳ bào thai.
Thu Thủy (theo BBC)

Bệnh giun móc gây thiếu máu nặng



Giun móc hút máu ở tá tràng và tiết ra độc tố ức chế cơ quan tạo máu, dẫn đến thiếu máu kéo dài. Ký sinh trùng này xâm nhập cơ thể qua da.

Trứng giun móc theo phân ra đất, gặp điều kiện thuận lợi về nhiệt độ, độ ẩm và loại đất sẽ nở thành ấu trùng, sống ở đất nhiều tuần lễ. Gặp người, ấu trùng chui qua da, thường ở mu bàn chân, kẽ ngón chân, gây ra những nốt mẩn đỏ, ngứa, có khi bị viêm thành nốt mọng nước. Triệu chứng này diễn biến 3-4 ngày rồi tự hết. Ấu trùng qua da vào bạch huyết và máu rồi lên phổi, chui vào phế nang, di động lên phế quản và hầu họng rồi được nuốt vào ruột non. Khi ấu trùng lên phổi, bệnh nhân thường có sốt nhẹ hoặc khi sốt khi không.
Thời gian từ khi ấu trùng vào cơ thể đến lúc thành giun trưởng thành gây bệnh là khoảng 6-7 tuần. Giun ký sinh ở tá tràng, ruột non, gây nên những cơn đau ở vùng thượng vị, kèm theo cảm giác cồn cào, đầy bụng, buồn nôn. Giun móc hút máu ở tá tràng, ngoài ra nó còn tiết ra độc tố gây ức chế cơ quan tạo máu, gây chứng thiếu máu kéo dài, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng thiếu sắt, thiếu máu nhược sắc. Bệnh nhân bị giảm protein máu kèm theo rối loạn tim mạch: da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, mạch thường nhanh, chóng mặt khó thở, kèm theo phù nhẹ ở mặt và chi.
Cần điều trị giun kết hợp với điều trị thiếu máu. Loại thuốc và liều điều trị giống như với giun đũa: levammisol, mebendazol, albendazol... Thuốc didakên chỉ dùng cho người lớn và trẻ em từ 16 tuổi trở lên, liều dùng 0,1 ml/kg (không quá 4 ml), uống vào lúc sáng sớm lúc đói, cứ 5 phút uống 1 ml, sau khi uống lần cuối cùng thì dùng thêm một liều thuốc tẩy muối.
Để phòng bệnh, cần quản lý và xử lý nguồn phân bảo đảm vệ sinh, làm sạch ngoại cảnh, diệt ấu trùng bằng cách rắc vôi bột ở những nơi ô nhiễm nặng (quanh hố xí, vườn rau...). Tránh ấu trùng nhiễm vào người bằng cách hạn chế tiếp xúc với đất. Đối với người lao động có nguy cơ cao ô nhiễm giun móc (làm việc dưới hầm lò, hay tiếp xúc với phân đất...), cần có phương tiện bảo vệ: đi ủng, đeo găng tay cao su.
BS Thùy NinhSức Khỏe & Đời Sống

10% khách đi các chuyến bay đường dài bị cục máu đông



Khách bay đường dài nên tăng cuờng vận động.
Kết quả một công trình nghiên cứu đăng trên The Lancet tháng 5 cho biết, cứ 10 hành khách đi trên các chuyến bay đường dài (từ 8 giờ bay trở lên) thì có 1 người bị máu đóng cục. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các cục máu không phát triển lớn hơn nên chẳng gây chết người.
Ông Scurr cùng nhóm nghiên cứu ở London đã theo dõi 200 hành khách bay đường dài. Họ được chia làm hai nhóm, một nửa mang các bít tất áp lực đặc biệt và nửa kia thì không. Kết quả là những người mang bít tất không bị cục máu đông, trong khi 10% số người không mang tất lại bị các cục máu trong bắp chân.
Mỗi năm có khoảng 10 người chết vì những cục máu trong phổi, sau một chuyến đi đường dài. Mới đây, cô Christofferson, 28 tuổi, đã chết sau 20 giờ bay từ Australia về Anh. Theo ông Scurr, các triệu chứng này không liên quan đến hạng ghế trên máy bay (hạng nhất hay economy), cũng chẳng phải vì ngồi sau đuôi máy bay mà bị. Những người di chuyển đường dài bằng xe buýt hay tàu hoả, với thời gian quá lâu, cũng bị bệnh tương tự. Đề tài này đang tiếp tục được nghiên cứu.
Thanh Niên, 14/5

Tuesday, January 29, 2013

Phát triển thành công tế bào kháng vi rút HIV


Vi rút HIV có khả năng đột nhập và loại bỏ các tế bào T, dần phát triển thành AIDS và phá hủy hệ thống miễn dịch. Chúng thâm nhập vào các tế bào T bằng CXR4 và CCR5, 2 loại gen vốn rất dễ tiếp nhận vi rút. Các loại thuốc chống HIV đều nhắm vào 2 gen thụ thể này. Tuy nhiên, nếu các gen này có thể được sửa đổi làm chúng miễn nhiễm với HIV, bệnh nhân sẽ không cần điều trị bằng thuốc nữa.

Nghiên cứu mới bởi các nhà nghiên cứu từ Trường Đại học Y Stanford mô tả việc sử dụng “kéo phân tử” để cắt và dán các gen kháng HIV vào trong tế bào T.
Giáo sư Matthew Porteus tại Đại học Stanford đồng thời là trưởng dự án cho biết: “Chúng tôi vô hiệu một thụ thể mà vi rút HIV sử dụng để thâm nhập, và thêm gen để kháng HIV, từ đó có được nhiều lớp bảo vệ vi rút HIV chồng lên nhau.”

Liệu pháp gen này có thể thay thế thuốc điều trị. Nghiên cứu hiện được thực hiện trong phòng thí nghiệm, vẫn cần thử nghiệm lâm sàng để xem liệu điều trị thực tế có đúng như lý thuyết không.

Tiến sĩ Sara Sawyer tại Đại học Texas-Austin và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Cung cấp cho người bệnh tế bào kháng T sẽ không chữa khỏi bệnh, nhưng, nó sẽ giúp tránh sự hủy hoại hệ thống miễn dịch mà thường sẽ dẫn đến bệnh AIDS.”

Loại bỏ việc điều trị bằng hàng tá thuốc

AIDS là một loại virus khó điều trị bởi nó liên tục biến đổi, buộc bệnh nhân sử dụng rất nhiều loại thuốc – hoặc liệu pháp kháng retrovirus (HAART). Nghiên cứu này sẽ giúp tránh vấn đề này bằng cách làm chệch hướng vi rút HIV trên nhiều mặt.

Các nhà khoa học Stanford sử dụng enzyme nuclease để xác định phần gen không hư hại của CCR5. Từ đó hình thành những khoảng trống, ‘xếp chồng’ vào đó 3 loại gen kháng HIV. Tổng hợp 3 loại gen miễn dịch giúp bảo vệ tế bảo khỏi HIV qua cả 2 thụ thể CXCR4 và CCR5.

Qua các phép thử, các nhà khoa học thấy rằng loại gen được thêm 3 lớp miễn dịch này cho kết quả tích cực nhất trong việc kháng vi rút HIV từ trước đến nay.

Một bước tiến trong liệu pháp gen.

Kết quả nghiên cứu này là một bước tiến mới khi áp dụng liệu pháp gen trong điều trị HIV. Một mặt trái của phương pháp này là có thể các enzyme nuclease có thể gây ra sự lệch hướng các tế bào và gây ung thư. Đôi khi các tế bào không chịu được quá trình thay đổi gen. Porteus nói: “Có thể các tế bào sẽ không thích nghi với những protein này, do đó chúng sẽ không phát triển.”

Tuy nhiên, ông cho rằng những vấn đề này sẽ được khắc phụ về mặt kỹ thuật trong tương lai. Bước tiếp theo sẽ là lấy tế bào T từ bệnh nhân AIDS và thử nghiệm trên động vật. Các tác giả hy vọng rằng thử nghiệm lâm sàng trên con người sẽ bắt đầu trong vòng 3-5 năm tới.

Dù kỹ thuật mới này đòi hỏi nguồn nhân lực và có sự khác biệt trên từng cá thể nhưng những bệnh nhân dương tính HIV có thể được cứu chữa và thoát khỏi quá trình điều trị vất vả bằng thuốc suốt đời.

Hải Đăng/ Theo: MNT

Trần Thị Thúy Hằng



Gửi câu hỏi: Ngày 29/01/2013

Câu hỏi: con gái 23 tháng tuổi biếng ăn và không chịu uống sữa, kém hấp thu.

Bác sỹ ơi! giúp em với. Con gái em được 23 tháng tuổi rồi. cháu nặng 10kg, cao 80 cm. cháu ăn thì theo từng đợt.có lúc thì ăn mỗi bữa được 1 bát cơm, có lúc thì lại không ăn.em cho cháu ăn đày đủ các loại thức ăn: tôm, cua, cá, thịt...váng sữa, pho mai...,rồi ăn hoa quả nữa.nhưng cháu lại không uống sữa từ nhỏ.cháu đã không tăng cân nhiều tháng nay rồi. cháu lại bị táo bón thường xuyên nữa bác sỹ ạ. Bác sỹ giúp em với.em lo cho con em quá.( Cháu rất hiếu động Bác sỹ ạ).e cảm ơn Bác sỹ.

Câu trả lời:

Chào bạn.
Chiều cao và cân nặng của con bạn thấp hơn mức trung bình của trẻ cùng lứa tuổi nhưng chưa bị suy dinh dưỡng thấp còi. Trẻ biếng ăn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bạn có thể tham khảo những nguyên nhân khiến bé biếng ăn và cách khắc phục theo lời khuyên của chuyên gia tại link sau: 
http://www.dinhduong.com.vn/story/phai-lam-gi-khi-tre-bieng
Ngoài những cách trên bạn nên cho bé dùng thêm sản phẩm cung cấp enzyme tiêu hóa như amylase, protease, maltase… cùng các vitamin nhóm B. Các dưỡng chất này sẽ có vai trò giúp phân rã, tiêu hóa hết lượng thức ăn trong bụng bé, làm trống ống tiêu hóa, bé sẽ chăm ăn hơn và hạn chế tình trạng biếng ăn cho bé. Bạn có thể tham khảo sản phẩm có tác dụng như trên tại link sau:
http://www.dinhduong.com.vn/story/odbankin-giai-phap-enzym-cho-tre-bieng
Để khắc phục tình trạng táo bón cho bé, bạn nên thực hiện theo một vài giải pháp dưới đây:
- Bạn nên áp dụng một chế độ ăn nhiều rau xanh hoa quả, uống nhiều nước cho bé như sau: ăn nhiều các loại rau có tính chất nhuận tràng như khoai lang, mồng tơi, rau dền, cải, vv...; các loại hoa quả như: chuối tiêu, đu đủ, bưởi cam, quýt, thanh long, vv...  không nên ăn cà rốt, hồng xiêm, táo.
- Xoa bụng cho trẻ: Bạn nên xoa bụng cho trẻ theo chiều khung đại tràng từ phải qua trái, ngày 3 - 4 lần vào khoảng cách giữa 2 bữa ăn. Cách làm như sau: đặt trẻ nằm ngửa, bạn ngồi đối diện ở bên phải trẻ, bàn tay phải của bạn đảm bảo đủ ấm, đặt lên bụng trẻ, sao cho toàn bộ lòng bàn tay của bạn tiếp xúc với da bụng của trẻ, bắt đầu từ góc bụng bên phải của trẻ, bàn tay bạn xoa miết nhẹ nhàng sang góc bụng bên trái, rồi lại chuyển bàn tay về góc bụng phải và tiếp tục xoa miết như trên khoảng 10 – 20 cái/lần.
- Vệ sinh đại tiện: tập cho bé đại tiện đúng giờ quy định. 
- Nếu bé có bú sữa ngoài, bạn nên chọn cho bé loại sữa dành cho trẻ bị táo bón, có bổ sung thêm chất xơ. Bạn nên pha sữa theo đúng tỷ lệ quy định của từng loại sữa, có thể pha loãng hơn một chút.
-  Chú ý cho bé uống thêm nước nhất là sau khi trẻ nô đùa nhiều, toát mồ hôi.
Nếu bạn đã làm như trên mà bé vẫn bị táo bón kéo dài trên 1 tuần, hoặc gây ảnh hưởng đến tiêu hóa làm cho bé kém ăn, gầy sút, chậm tăng cân ... thì bạn nên cho bé đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Giật mình chuyện dùng thuốc sai chỉ định cho trẻ

Trường hợp bé gái 6 ngày tuổi (Nghệ An) tử vong được cho là do bác sĩ kê thuốc sai chỉ định khiến nhiều người giật mình. Bởi thực tế, rất nhiều người vẫn tự ý dùng thuốc cho con mà không lường hết được những nguy hiểm xảy ra với trẻ.



Ảnh minh họa

Về dùng thuốc cho trẻ em, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết: “Dùng thuốc ở trẻ em, sai một ly có để đi cả dặm. Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, nên nếu dùng thuốc theo quan điểm, dùng của người lớn rồi giảm liều đi theo cân nặng của trẻ là rất nguy hiểm. Thực tế, nhiều người dân vẫn đang lạm dụng những cách dùng thuốc này mà không lường hết nguy hiểm có thể xảy ra với trẻ”.

“Ví như thuốc điều trị tiêu chảy Loperamid là các thuốc có chế phẩm thuốc phiện) là chống chỉ định với trẻ em vì nếu dùng có thể tử vong. Cấm tuyệt đối chứ không phải dùng liều lượng thấp đi.

Hoặc các thuốc ho như Tecpin codein là dùng cho người lớn, không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi. Thậm chí có những loại khuyến cáo không kê cho trẻ dưới 5 tuổi, còn ở trẻ sơ sinh cấm tuyệt đối. Nếu dùng phải có bác sĩ chỉ định rất là nghiêm ngặt. Bởi các chế phẩm chứa thuốc phiện có thể gây ngộ độc, ngừng thở dẫn đến tử vong cho trẻ dưới 2 tuổi”, PGS Dũng nói.

Hay với nhóm thuốc Clopheramine (chữa dị ứng) mà người dân rất hay tự ý sử dụng. Thuốc này cũng có thể dùng được cho trẻ nhỏ nhưng phải dùng với liều thấp. Tuy nhiên không nên dùng cho trẻ sơ sinh vì nó gây ức chế hô hấp do tác dụng phụ là làm quánh đờm dãi. Nếu liều cao quá gây co giật, tử vong.

Với trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 6 tháng tuổi cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến của con để kịp thời nhập viện. Cha mẹ cần theo dõi trẻ có bú bình thường không, có ngủ thở rít lõm lồng ngực hơn bình thường không, ngủ có như bình thường không… Thấy bất cứ sự bất thường nào cần đến viện ngay bởi trẻ dưới 6 tháng tuổi diễn tiến bệnh rất nhanh”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi khuyên.
“Nói vậy để tôi muốn nhấn mạnh, ngay cả những thuốc bình thường có chỉ định dùng cho trẻ mà quá liều cũng đã rất nguy hiểm”, PGS Dũng nói. “Đặc biệt là các thuốc qua hàng rào mạch máu não, tức là thấm được vào não thì phải rất chú ý cho trẻ con. Vì thế, có những thuốc chống chỉ định hoàn toàn cho trẻ nhỏ, tuyệt đối không được dùng, kể cả liều rất thấp”.

Ngược lại, có những thuốc người lớn chỉ cần dùng với liều thấp, nhưng trẻ con lại phải dùng liều cao hơn người lớn rất nhiều. Bởi trẻ con chịu đựng các thuốc đó tốt hơn người lớn. Ví dụ như các thuốc ngủ Gacdenal, người lớn có thể dùng theo liều kg cân nặng, nhưng trẻ con phải dùng liều cao gấp 2 - 3 lần mới có hiệu quả. Kể cả thuốc trợ tim cũng thế, liều thường gấp rưỡi người lớn mới ổn được. Đó là chuyển hóa thuốc của người lớn và trẻ em là hoàn toàn khác nhau.

TS Dũng khuyến cáo, cơ chế hấp thụ thuốc của người lớn và trẻ em là hoàn toàn khác nhau. Vì thế, mọi người không nên tùy tiện giảm bớt hàm lượng thuốc của người lớn để dùng cho trẻ em. Thực tế, nhiều người tự làm bác sĩ, cũng cho con uống kháng sinh như đơn thuốc cũ…nhưng bệnh không khỏi mà nặng lên cũng liên quan đến cơ chế hấp thụ thuốc. Vậy là từ những viêm nhiễm thông thường đường hô hấp trên có thể biến chứng viêm phổi, điều trị tốn kém, lâu dài, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

Bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân dựa trên triệu chứng lâm sàng, trong mối tương quan với các loại thuốc kê cùng… Ngay cả với hướng dẫn sử dụng thuốc đi kèm thuốc cũng chỉ là để tham khảo cho nhân dân liều an toàn nhất. Bởi có những hướng dẫn với khoảng cách rất xa, trẻ dưới 2 tuổi dùng bao nhiêu, trẻ từ 2 - 6 tuổi, trẻ trên 6 tuổi. Vì thế, bác sĩ là người có quyền đưa ra chỉ định về liều lượng dựa trên tình trạng bệnh nhi, trong tương quan phối hợp với các thuốc khác.

 
Về trường hợp bé 6 ngày tuổi ở Nghệ An tử vong sau tiêm 1 lọ Betadine, 1 lọ Chloramphenicol (1g) - kháng sinh - ngày 27/1, nguyên nhân tử vong được xác định là “suy hô hấp, suy tuần hoàn, thiếu máu”. Trước nghi ngờ của người nhà về nguyên nhân tử vong là do bác sĩ kê thuốc Chloramphenicol 1g x 1 lọ cho trẻ 6 ngày tuổi, bệnh viện Nhi Nghệ An sẽ thành lập hội đồng khoa học xác định cụ thể nguyên nhân và sẽ có một buổi làm việc giữa các bác sỹ kê đơn đơn thuốc, điều dưỡng tiêm thuốc và người nhà bệnh nhân làm rõ trách nhiệm của từng người.
Về loại thuốc này, một bác sĩ cho biết, loại kháng sinh này dùng được cho trẻ con. Tuy nhiên nếu dùng quá liều, liều cao sẽ gây hội chứng xanh tái ngay sau tiêm. Hội chứng xanh tái có thể gây tử vong ngay cho trẻ sau khi tiêm. Còn bệnh nhi này tử vong sau hơn 10 tiếng tiêm thuốc, có thể là tử vong vì một nguyên nhân khác, có thể là viêm phổi (bác sĩ đã không tiên lượng được mức độ nguy hiểm nên đã không cho bệnh nhi nhập viện). Tuy nhiên, kết quả cuối cùng cần có kết luận của hội đồng khoa học. 
 
Hồ

Nguồn: Dân trí

Monday, January 28, 2013

8 loại nước uống bà bầu nên tránh xa


(Dinhduong.com.vn) Giai đoạn mang thai, bạn cần được bổ sung nhiều nước, nhưng có một số loại nước uống không tốt cho thai nhi, bạn hãy lưu ý nhé!
1. Cà phê

Dù bạn có thực sự đam mê loại đồ uống này thì cũng cần loại bỏ ngay khi bắt đầu mang thai. Trong ba tháng đầu mang thai, bạn cần đặc biệt tránh dùng cà phê và các loại thực phẩm chế biến từ cà phê.

Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, trong thời gian mang bầu, nếu thai phụ dùng quá nhiều cà phê, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé trong bụng. Nguy hiểm hơn còn dẫn đến hiện tượng sinh non hoặc teo thai. Có chăng bạn chỉ nên dùng 300 mg cà phê mỗi lần.

2. Rượu

Uống rượu là thói quen hiếm gặp ở phụ nữ Việt Nam, nhưng không vì thế mà chúng ta không đề cập đến. Trong bia rượu chứa nhiều cồn, cồn theo cơ thể mẹ và thông qua cuốn nhau thai, gây ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi, và có thể gây hậu quả sau này cho thai nhi qua các di chứng như : đầu nhỏ, mắt to, cằm ngắn, lùn, dễ mắc nhiều thứ bệnh…

3. Trà xanh

Trong lá chè có chứa cafein nhưng hàm lượng không nhiều, khoảng 2-5% lượng cafein có tác dụng gây hung phấn. Phụ nữ mang thai uống nhiều nước chè đậm đặc sẽ làm kích thích thai cử động nhiều, làm nguy hại cho sự sinh trưởng và phát triển của thai nhi. Trong lá chè còn chứa tanin, nếu kết hợp với chất sắt trong thức ăn sẽ thành hợp chất khó được cơ thể hấp thụ. Do vậy, nếu thai phụ uống quá nhiều nước chè đặc có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt và tất yếu là thai nhi sinh ra sẽ bị thiều máu do thiếu sắt bẩm sinh.

4. Nước uống có ga

Nước uống có ga thường chứa hàm lượng đường cao, có thể dẫn đến bệnh tiểu đường. Chất CO2 trong nước ngọt có ga khiến thai phụ có cảm giác trướng khí. Hơn nữa, loại nước uống này không có chất dinh dưỡng nên các bà bầu cũng không cần quá “mặn nồng” với nó trong quá trình mang thai.

5. Trà thảo dược

Một số loại trà thảo mộc nếu uống nhiều có thể kích thích tử cung và vô tình gây ra sảy thai hoặc các cơn co dạ con. Tốt nhất chị em nên chú ý và hạn chế uống các loại trà từ các loại thảo dược sau: hoa cúc, cây ma hoàng, rễ cây cam thảo, lá mâm xôi, hoa hồi, cây ngải đắng, cây dâm bụt, cây sả, cây thìa là…

Lưu ý rằng, trà từ lá cây mâm xôi được cho là có tác dụng giúp kích thích tử cung để chuẩn bị cho cơn co dạ con và sinh nở. Mặc dù chưa được khoa học chứng minh, nhưng trà lá mâm xôi có thể uống được ở thời gian gần cuối của thai kỳ (sau tuần thai thứ 38). Điều đáng lưu ý là hầu hết các loại thảo mộc ở trên vẫn có thể ăn kèm trong các thức ăn. Chỉ khi được pha thành trà thì các loại thảo mộc này mới cô đặc và nguy hiểm với bà bầu.

6. Nước lạnh

Dạ dày và ruột của thai phụ đặc biệt mẫn cảm với kích thích nước lạnh. Uống nhiều nước lạnh khiến cho mạch máu dạ dày và ruột của thai phụ co vào đột ngột, dịch vị tiết ra ít, chức năng tiêu hoá kém, dẫn đến một loạt triệu chứng về dạ dày và ruột như: không muốn ăn, tiêu hoá không tốt, đi ngoài, dạ dày co thắt gây đau dạ dày, xuất hiện hiện tượng đau bụng dữ dội.

Ngoài ra, nếu bà bầu uống nhiều nước lạnh, khiến mạch máu ở các niêm mạc hô hấp như mũi, họng, khí quản co vào đột ngột, lượng máu chảy giảm ít, làm giảm sức đề kháng cục bộ, dễ mắc bệnh truyền nhiễm đường hô hấp. Thai phụ uống quá nhiều nước lạnh còn khiến tần số cử động của thai nhi trong tử cung tăng. Do vậy, thai phụ nhất định phải hạn chế uống nước lạnh. 

7. Nước ép dứa

Trong 3 tháng đầu, phụ nữ mang thai không nên ăn, uống quá nhiều nước dứa vì có thể gây ra các cơn co thắt tử cung hay bị sẩy thai hoặc gây tiêu chảy hoặc dị ứng cho phụ nữ mang thai. Lý do là vì dứa tươi có chứa bromelain có tác dụng làm mềm tử cung, sản xuất các chất gây phá thai.

8. Sữa đậu nành

Sữa đậu nành vẫn là một thực phẩm đang được gây tranh cãi có nên hay không nên ăn trong thai kỳ không nhưng tốt nhất bà bầu không nên sử dụng vì có kiêng có lành.

Có ý kiến cho rằng, ăn nhiều đậu nành hoặc uống sữa đậu nành trong thời gian mang thai có thể gây ra những bất thường ở cơ quan sinh sản và khuyết tật tình dục ở các bé trai. 

Minh Thúy

10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2020



Thực hiện chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến vừa ký quyết định ban hành 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2020.
10 lời khuyên mới này có khá nhiều điểm khác biệt so với 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý giai đoạn 2000-2010, trên cơ sở bám sát sự thay đổi về nhu cầu dinh dưỡng trong từng thời kỳ. 

Theo đó, lời khuyên số 1 là: ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm và đảm bảo đủ 4 nhóm gồm chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng; 2: phối hợp thức ăn nguồn đạm động vật và thực vật, nên ăn tôm, cua, cá và đậu đỗ; 3: ăn phối hợp dầu thực vật và mỡ động vật hợp lý, nên ăn vừng lạc; 4: nên sử dụng muối Iốt, không ăn mặn; 5: cần ăn rau quả hàng ngày; 6: đảm bảo an toàn vệ sinh trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm; 7: uống đủ nước sạch hàng ngày; 8: cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục cho bú mẹ đến 24 tháng; 9: trẻ sau 6 tháng và người trưởng thành nên sử dụng sữa và các sản phẩm của sữa phù hợp với từng lứa tuổi; 10: tăng cường hoạt động thể lực, duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, nước có ga và ăn, uống đồ ngọt.

Phòng bệnh cho trẻ em lúc giao mùa và dịp Tết



  1. Các bệnh thường gặp khi thời tiết giao mùa bao gồm bệnh cảm cúm, viêm đường hô hấp cấp tính, viêm phế quản, hen suyễn, đặc biệt vào dịp Tết cổ truyền có sự gia tăng đáng kể các bệnh lý về đường tiêu hóa.Khi thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh, số trẻ em tới các bệnh viện, trung tâm y tế tăng vọt.


    Hiểu rõ nguyên nhân các bệnh thường gặp ở trẻ em lúc giao mùa, đặc biệt là các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, sẽ giúp quý phụ huynh chăm sóc tốt hơn những đứa con thân yêu của mình và để gia đình cùng đón một cái tết thật vui và trọn vẹn.

    Những nguyên nhân

    Trẻ em rất dễ mắc bệnh lý lúc giao mùa, đặc biệt là dịp tết, vì những lý do căn bản sau:


    - Trẻ em, nhất là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, sức đề kháng còn rất yếu kém vì hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên rất dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công.


    - Trẻ thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài, nguy cơ bị nhiễm bệnh rất cao trong khi trẻ chưa ý thức được khả năng tự phòng bệnh.


    - Trẻ thường xuyên sống trong môi trường đông đúc tập thể như nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học… khi có một bạn nhỏ bị bệnh sẽ dễ lây lan cho các bạn khác.


    - Vào mùa lạnh, độ ẩm trong không khí thấp và nhiệt độ môi trường không cao, đặc trưng là khí hậu lạnh ẩm tạo điều kiện cho rất nhiều loại vi khuẩn, virút đường hô hấp phát triển mạnh và gây bệnh cho trẻ.


    - Đặc biệt, việc ăn uống và bảo quản thức ăn ngày tết không tuân thủ quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ làm phát sinh nhiều bệnh lý về đường tiêu hóa, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe trẻ em ngày tết.



    Cần giữ ấm cho trẻ

    Bệnh lý thường gặp


    Theo kinh nghiệm từ các bác sĩ Nhi khoa, ngày nắng hanh trong khi sáng sớm và đêm trời lạnh khiến đường hô hấp của trẻ dễ bị virút, vi khuẩn tấn công. Số liệu thống kê từ các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước cho biết: số trẻ bị các bệnh lý về đường tiêu hóa như: tiêu chảy cấp, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn… vào dịp tết thường tăng cao hơn ngày thường từ 20 - 25%, nguyên nhân chủ yếu do cha mẹ không chú ý nhiều việc ăn uống của trẻ trong dịp này.

    Nhóm bệnh về đường hô hấp:

    Viêm đường hô hấp trên cấp tính như: viêm họng, viêm mũi, viêm amiđan, viêm VA, viêm tai giữa, viêm thanh quản cấp… gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và việc ăn uống của trẻ. Bệnh có thể do tác nhân là vi rút hoặc vi khẩn gây ra.

    Viêm đường hô hấp dưới như: viêm phổi, viêm phế quản cấp, viêm tiểu phế quản… nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời có thể gây hiểm nguy cho sức khỏe của trẻ.

    Bệnh cúm ở trẻ em: rất thường gặp trong mùa lạnh, khả năng trẻ em bị nhiễm chiếm 1/3 dân số người bị mắc cúm hàng năm, nếu không cẩn thận có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

    Bệnh hen suyễn: rất thường gặp vào thời khắc giao mùa, trẻ em có tiền căn dị ứng và hen suyễn, sẽ rất dễ lên cơn “hen” khi thời tiết trở lạnh đột ngột.

    Nhóm bệnh về đường tiêu hóa:

    Rối loạn tiêu hóa: ăn bánh kẹo nhiều, uống nước ngọt “vô chừng” hoặc trái cây trưng tết có thể làm cho trẻ cảm thấy khó chịu vì hệ tiêu hóa phải chứa một lượng thức ăn ngọt quá lớn. Biểu hiện thường gặp là trẻ bị đầy bụng, khó tiêu đôi khi bị đau bụng dữ dội hay gặp ở trẻ em bị nhiễm giun tiềm ẩn. Ngoài ra, trẻ có thể bị tăng đường huyết bất thường làm trẻ phải đi tiểu nhiều và mất nước.

    Tiêu chảy cấp: thường do trẻ ăn những loại thực phẩm chế biến sẵn không đảm bảo vệ sinh, thức ăn dự trữ lâu ngày hoặc sữa pha sẵn để quá lâu… bệnh gặp nhiều ở trẻ dưới 2 tuổi. Tác nhân gây bệnh thường là siêu vi trùng, Rotavirus, E.coli, Shigella... Triệu chứng gồm tiêu phân lỏng nhiều lần trong ngày, phân có màu vàng hoặc vàng xanh, có thể kèm nôn hoặc buồn nôn, đau bụng hoặc sốt. Nếu bị mất nước nhiều trẻ có thể bị mệt lả, chân tay lạnh, mắt trũng, da khô, tiểu ít.

    Ngộ độc thực ăn: tình trạng bệnh lý rất thường gặp dịp tết, nguyên nhân chủ yếu do sử dụng các loại thực phẩm tươi sống hoặc chế biến sẵn đã bị nhiễm khuẩn. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, triệu chứng thường gặp là trẻ bị đau quặn bụng, nôn ói nhiều lần, tiêu chảy, xuất hiện trong khoảng 1 - 6 giờ sau khi trẻ sử dụng các loại thức ăn bị nhiễm khuẩn này.

    Những biện pháp phòng ngừa


    - Luôn đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ trong những ngày tết, giúp trẻ tăng cường sức đề kháng đối với bệnh tật.


    - Giữ vệ sinh môi trường sống tốt, trong lành, sạch sẽ và thoáng khí giúp trẻ phòng tránh hiệu quả các bệnh lý lây nhiễm qua đường hô hấp như: hạn chế việc sử dụng quạt máy, máy điều hòa nhiệt độ, tránh tình trạng bụi bẩn, khói thuốc lá, khói công nghiệp.


    - Tạo cho trẻ thói quen rửa tay sạch sẽ đúng cách thường xuyên hàng ngày, giúp loại bỏ các tác nhân gây bệnh nguy hiểm lây lan qua con đường tay - miệng.


    - Giữ ấm cơ thể trẻ khi thời tiết chuyển lạnh nhất là những trẻ có tiền căn - tiền sử về dị ứng và hen suyễn bằng những biện pháp rất đơn giản như mặc thêm quần áo ấm, mang thêm vớ, đội thêm mũ hoặc quấn thêm chăn/mền ấm cho trẻ.


    - Việc chế biến thức ăn ngày tết cho trẻ cần tuân thủ tuyệt đối quy trình “vệ sinh an toàn thực phẩm” nhằm giúp trẻ phòng tránh các bệnh đường tiêu hóa một cách thiết thực nhất, đặc biệt nên bảo quản và lưu giữ thực phẩm đúng cách.


    - Khi phát hiện trẻ bệnh nên sớm đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chữa trị kịp thời và có được những lời khuyên hữu ích giúp phụ huynh chăm sóc trẻ tốt hơn trong thời gian trẻ bệnh.


    - Thực hiện tốt việc tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc-xin cho trẻ theo lứa tuổi để có cách phòng ngừa bệnh chủ động nhất và hiệu quả nhất.


    Nguồn: Sức khỏe đời sống

Các khối u và ung thư

Nghe nói đến các khối u và ung thư, phản ứng tâm lý chung là sợ hãi, nghĩ đến đau đớn và cái chết. Thực ra, các khối u không đáng sợ như cảm tưởng của mọi người. Không phải khối u nào cũng là ung thư, và đối với ung thư, nhiều trường hợp nếu phát hiện sớm sẽ có khả năng chữa khỏi.
Một tâm lý khác trong giới trẻ cho rằng ung thư là bệnh của người già, người trẻ không cần phải biết. Vậy cũng là sai, vì có những loại ung thư xuất hiện cả ở người trẻ tuổi. Nhiều loại ung thư phát ra khi nhiều tuổi nhưng lại có căn nguyên từ khi còn trẻ. Các bạn trẻ rất cần hiểu biết để phòng ngừa và xử trí tốt căn bệnh này.
  • Thế nào là u, u lành, u ác tính, ung thư?
U là hiện tượng một số tế bào vượt ra ngoài sự kiểm soát của cơ thể, tăng trưởng khi không cần thiết, tạo nên một khối tế bào thừa, không có chức năng gì cả.
Đa số các khối u là u lành tính, có nghĩa là sinh ra ở đâu thì nằm ở đó, nhìn chung vô hại. U lành tính bao gồm đa số các nốt ruồi, hạt cơm và rất nhiều các u cục khác, trong đó có những u sâu ở bên trong người, bạn không sờ thấy.
Khác hẳn u lành tính, u ác tính gồm các tế bào thay đổi rất bất thường, có tính xâm lấn. Chúng xâm lấn vào lãnh địa của các tế bào bình thường. U ác tính phát triển ở cơ quan nào thì làm hại đến hoạt động của cơ quan ấy, hủy hoại cơ quan ấy. U ác tính chính là ung thư. Ban đầu, ung thư phát sinh ở một vị trí, sau đó các tế bào ác tính có thể di chuyển đến những nơi khác trên cơ thể, sinh sống, phát triển ở đó, tạo thành các u ác tính mới, gọi là di căn.
  • Tại sao ngày nay có nhiều người bị ung thư?
Sự phát triển bất thường của các tế bào ác tính xảy ra là do gene của tế bào bị đột biến. Sự đột biến gene này do nhiều nguyên nhân gây ra. Có thể là do di truyền, tế bào đã có một gene bị đột biến từ thế hệ trước. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh ung thư là do môi trường (các yếu tố trong cuộc sống, các chất độc hại) làm đột biến nhiều gien mà gây ra.
Tư xưa đến nay, bệnh ung thư vẫn luôn tồn tại, nhưng trước kia ông bà ta nhiều khi không biết mình có bệnh. Đó một phần do khả năng chẩn đoán ung thư có hạn, phần khác do các cụ chết vì các bệnh truyền nhiễm, tuổi thọ trung bình thấp, không đủ thời gian cho ung thư phát bệnh. Ngày nay, cuộc sống đã cải thiện nhiều, vệ sinh phòng bệnh tốt hơn, nhiều bệnh trước là nan y nay đã có thuốc chữa, con người sống lâu, sống khỏe hơn. Các khối u ác có thể phát triển đến mức chín muồi, nhận thấy và chẩn đoán được, chính vì thế mà tỷ lệ ung thư ngày nay cao hơn. Ô nhiễm môi trường do các chất thải công nghiệp, đô thị, do các hóa chất dùng trong nông nghiệp cũng là một yếu tố kích thích sự hình thành ung thư.
  • Cách phòng ngừa bệnh ung thư
Không có cách nào đảm bảo cho bạn cả đời không bị ung thư. Tuy nhiên, bạn vẫn có những cách phòng ngừa khá hữu hiệu như sau:
* Tránh các thứ làm tăng nguy cơ bệnh ung thư
Ở nước ta, thuốc lá là yếu tố hàng đầu làm tăng nguy cơ bị các bệnh ung thư. Có thể bạn cho rằng hút thuốc chẳng hại gì, hoặc có chết sớm một chút cũng được, nhưng bạn sẽ thay đổi ý kiến nếu bạn có người thân chết vì ung thư phổi và được chứng kiến căn bệnh đó giết người ta như thế nào. Khói thuốc lá còn có liên hệ với nhiều loại ung thư khác nữa. Càng hút nhiều, hút lâu, tiếp xúc nhiều với khói thuốc của người khác, bạn càng có nhiều khả năng bị ung thư, bất kể bạn là nam hay nữ giới. Rượu và thuốc lá như hai yếu tố cộng hưởng, người nào vừa hút thuốc vừa uống rượu thì có nguy cơ ung thư rất cao.
Bên cạnh khói thuốc lá, có nhiều chất khác cũng làm tăng nguy cơ ung thư như chất phóng xạ, amiăng, lưu huỳnh, thức ăn cháy đắng, đồ ăn rán xào nhiều mỡ, chất bảo quản... Người Trung Quốc ăn nhiều thức ăn xào rán nên bị ung thư đường tiêu hóa nhiều hơn các nước khác.
Ngoài ra, y học đã phát hiện một số loại vi rút có khả năng gây ung thư. Vi rút papilloma có một số chủng có thể gây ung thư cổ tử cung và ung thư dương vật. Bạn hãy dùng bao cao su khi quan hệ tình dục để tránh vi rút này. Nếu có viêm nhiễm ở đường sinh dục, bạn hãy chữa trị ngay. Vi rút viêm gan B ở một số người gây bệnh gan mãn tính, rồi sau đó tiến triển thành sơ gan, ung thư gan. Loại này lây qua đường tình dục và đường máu, bạn hãy tích cực phòng ngừa.
* Tăng cường sức khỏe để có sức đề kháng tốt nhất
Người khỏe mạnh thì sức đề kháng cao, hệ miễn dịch có khả năng kháng cự với các mầm bệnh ung thư sớm. Nếu sức đề kháng giảm, nguy cơ ung thư cũng tăng lên (những người mang vi rút HIV bị giảm sức đề kháng nên có tỷ lệ ung thư cao). Bạn hãy luôn rèn luyện cơ thể khỏe mạnh. Điều này không chỉ giúp phòng những bệnh thông thường mà còn giảm nguy cơ ung thư nữa.
* Phát hiện bệnh sớm
Một bí quyết đối phó tốt với bệnh ung thư là phát hiện sớm và điều trị ngay, vì khi đó khả năng trị khỏi lớn hơn nhiều so với khi ung thư đã phát triển và di căn. Nhiều bệnh nhân thấy có khối u nhưng “vì bận quá nên mặc kệ, chắc nó khỏi thôi mà”, hoặc “có đau đâu mà đi khám”, để đến khi ung thư quá lớn và di căn thì không chữa được. Khi trình bày về ung thư sinh dục, chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn cách tự khám vú, tự khám tinh hoàn, và phiến đồ âm đạo. Bạn hãy thực hiện những biện pháp phòng ngừa ấy, để tránh cho mình những đau đớn và mất mát không đáng có.
  • Các loại ung thư sinh dục ở nam giới
* Ung thư dương vật
Đây là một loại ung thư khá phổ biến, thường chỉ phát ra ở nam giới trên 40 tuổi, hay gặp nhất ở những người hẹp bao quy đầu. Điều đáng ngại là nhiều khi người bị bệnh thấy nổi cục hoặc loét ở dương vật lại nghĩ mình bị bệnh lây qua đường tình dục, rồi vì thiếu hiểu biết mà tự uống thuốc, không đi khám, để bệnh tiến triển đến mức nguy hại. Bạn đừng lo ngại quá, vì có nhiều loại u dương vật lành tính, không phải là ung thư, nhưng bạn nên đi khám và làm sinh thiết để xác định u lành hay u ác. Nếu u ác mà điều trị sớm thì vẫn có thể khỏi và giữ được dương vật.
Để phòng ngừa ung thư dương vật, bạn hãy vệ sinh cơ quan sinh dục hàng ngày, rửa sạch bên trong bao quy đầu, đừng để chất dịch hay cặn màu trắng tích trữ trong đó. Kéo bao quy đầu về phía sau để rửa cũng là dịp bạn sờ kỹ dương vật xem có nổi cục gì không. Dùng bao cao su trong sinh hoạt tình dục, bạn sẽ tránh được virus papilloma (có khả năng gây ung thư). Nếu hẹp bao quy đầu, bạn nên đến bệnh viện cắt, vừa để vệ sinh được dễ dàng, vừa để phòng ngừa ung thư dương vật.
* Ung thư tinh hoàn
Ung thư tinh hoàn là ung thư của tuổi trẻ, đa số các trường hợp xảy ra ở độ tuổi 15-35. Nếu sờ thấy cục trong bao tinh hoàn, bạn nhất thiết nên đi khám, nhưng đừng lo lắng quá, vì đa số các cục u ở trong bao tinh hoàn là lành tính. Loại ung thư này hiếm gặp.
Tuy rằng hiếm gặp, nhưng nó vẫn có thể xảy ra. Tốt nhất là bạn tự khám tinh hoàn để nếu có khối u thì kịp thời chẩn đoán và điều trị. Nếu bạn từng có tinh hoàn không sa hoặc sa một phần thì nguy cơ ung thư tinh hoàn cao hơn, bạn rất nên tự khám.
Chỉ cần khám một tháng một lần. Bạn hãy khám sau khi tắm nước nóng (vì điều kiện ấm nóng khiến bao tinh hoàn giãn ra, dễ khám). Cặp tinh hoàn của bạn thông thường sờ thấy cứng, kích thước không mấy chênh nhau, trên mỗi tinh hoàn ở phía sau có hằn lên như một sợi dây, đó là mào tinh, mào tinh nối vào ống dẫn tinh ở phía trên tinh hoàn. Nếu sờ thấy có cục hay sần sùi gì khác, nhất là cục bám ở tinh hoàn, hoặc tinh hoàn thay đổi hình dạng, bạn hãy đi khám.
* Ung thư tuyến tiền liệt
Đây là một thứ bệnh ở nam giới cao tuổi. Loại ung thư này không có cách nào phát hiện sớm, nhưng may mắn là tiến triển rất chậm, nhiều trường hợp người ta chết vì một nguyên nhân khác, khi xét nghiệm tử thi mới bị phát hiện là có mầm mống ung thư tuyến tiền liệt. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chế độ ăn uống nhiều thịt, ít rau xanh góp phần phát triển loại ung thư này. Vì vậy, loại ung thư này thường gặp ở Mỹ và các nước Tây Âu, ít gặp ở nước ta. Tuy nhiên, hiện nay việc tiêu thụ thực phẩm động vật ngày càng tăng, nên bạn cần lưu ý đến căn bệnh này.
Ung thư tuyến tiền liệt khi đã nặng có thể gây chứng đi tiểu ra máu. Khi chưa di căn, bệnh có nhiều khả năng chữa khỏi, nhưng nếu đã di căn thì chỉ điều trị tạm thời mà thôi.
  • Các loại ung thư sinh dục ở nữ giới
* Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung và ung thư vú là hai loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ Việt Nam. Ung thư cổ tử cung thường gặp ở tuổi 40-50.
Nhờ kỹ thuật phiến đồ âm đạo mà các nước phát triển loại trừ được đa số các trường hợp ung thư cổ tử cung từ trước khi nó hình thành hoặc xâm nhiễm. Ở nước ta, kỹ thuật này có ở các bệnh viện phụ sản và khoa phụ sản của bệnh viện tỉnh. Để phòng ngừa bệnh này, bạn hãy làm phiến đồ âm đạo định kỳ khoảng 1-2 năm một lần, kể từ khi bắt đầu có quan hệ tình dục, hoặc từ 25 tuổi. Phiến đồ âm đạo là quệt lấy một ít tế bào trên cổ tử cung, đem soi trên kính hiển vi tìm tế bào tiền ung thư và tế bào ung thư, để nếu có, bác sĩ sẽ điều trị thích hợp. Gần 100% trường hợp chưa có ung thư xâm lấn có thể điều trị hoàn toàn, không phát bệnh.
Một cách phòng ngừa nữa là dùng bao cao su trong quan hệ tình dục để chống nhiễm virus papilloma; nếu bị viêm cổ tử cung thì phải điều trị nghiêm túc.
Nếu ung thư đã xâm lấn sang các vùng lân cận, bạn cần mổ kết hợp chiếu xạ, khả năng khỏi bệnh vẫn khá cao. Cắt tử cung có lẽ cũng không phải là vấn đề lớn vì đa số phụ nữ đến tuổi này đều đã có đủ số con mình muốn. Tuy nhiên, nếu bệnh đã xâm lấn hết tử cung hoặc âm đạo, hoặc đã di căn nơi khác thì việc điều trị sẽ khó hơn, khả năng chữa khỏi ít hay nhiều cũng tùy từng trường hợp.
*Ung thư vú
Ung thư vú cũng phổ biến như ung thư cổ tử cung, đa số các trường hợp là ở phụ nữ trên 40 tuổi, ít xảy ra ở phụ nữ dưới 30 tuổi và nam giới. Nếu bạn là phụ nữ trên 30 tuổi, nắn thấy vú có cục u cứng, bạn hãy đi khám ngay. Nghĩ đến ung thư vú và khả năng phải phẫu thuật vú, bạn có thể hoảng hốt, nhưng đừng chần chừ, vì nếu điều trị muộn, tính mạng của bạn có thể bị đe dọa. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng, vì 90% các u cục trong vú là u nang hoặc u xơ lành tính, hoặc chỉ là những chỗ phình ở ống dẫn sữa thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt, không phải là ung thư.
Bạn nên định kỳ tự khám vú để phát hiện các khối u khi còn nhỏ. Hãy khám vào một thời điểm nhất định trong mỗi chu kỳ kinh, tốt nhất là 7-10 ngày sau khi bắt đầu hành kinh, lúc này vú mềm, không cương. Nếu đã mãn kinh, bạn hãy làm vào ngày mùng 1 hàng tháng cho dễ nhớ.
- Cách tự khám vú:
Bạn có thể tự khám vú cho mình. Cách làm rất đơn giản, gồm 2 bước: quan sát và sờ, nắn. Chúng tôi xin giới thiệu để bạn tham khảo:
+ Quan sát: Bạn cởi áo và đứng trước gương trong ba tư thế: để xuôi tay, giơ hai tay lên trời, chống hai tay vào sườn. Bạn hãy nhìn xem vú có thay đổi gì không. Hai vú bạn có thể giống nhau hoặc bên to, bên nhỏ, đó là tự nhiên. Nhưng nếu thấy bầu vú thay đổi hình dạng một cách kỳ lạ, da sần sùi hoặc đổi màu, đầu vú vốn lồi nay lõm vào, bóp đầu vú thấy ra máu, hoặc máu tự chảy ra, bạn cần đến bệnh viện ngay, vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư.
+ Sờ nắn: Kiểm tra vú khi đang tắm sẽ dễ dàng hơn bởi vì da bạn trơn hơn khi bị ướt. Đưa tay nhẹ nhàng lên khắp vú. Dùng tay phải để kiểm tra vú trái và dùng tay trái để kiểm tra vú phải. Kiểm tra kỹ xem có cục, u hay bất cứ một bất thường gì không.
Có thể kiểm tra trong tư thế nằm: Để kiểm tra vú phải, bạn hãy đặt gối hoặc chăn dưới vai phải, đặt tay phải dưới đầu (tư thế này sẽ giúp bạn nắn vú được dễ dàng hơn). Dùng tay trái, lấy các đầu ngón tay ấn nhẹ vào vú theo các vòng tròn theo chiều kim đồng hồ, sau đó lại theo chiều ngược lại. Làm lại như vậy với vú trái. Nếu thấy trong vú có một cục mà từ trước không có, bạn hãy đi khám ngay.
* Ung thư buồng trứng
Đây là loại ung thư có thể gặp ở phụ nữ bất cứ độ tuổi nào. Ung thư buồng trứng được điều trị bằng phẫu thuật và hóa chất. Trong trường hợp ung thư tiến triển xa, tràn ra vùng chậu thì rất khó chữa trị.
Tuy nhiên, đó không phải là tin quá xấu vì tỷ lệ ung thư buồng trứng thấp. Đa số u buồng trứng là ung nang lành tính. Nhưng nếu thấy ở một bên bụng dưới có khối tròn chạy qua chạy lại theo tay sờ, bạn vẫn nên đi khám ngay để bác sĩ chẩn đoán.
*Ung thư niêm mạc tử cung (còn gọi là ung thư thân tử cung)
Là ung thư xuất phát từ niêm mạc tử cung, khi tiến triển xa có thể ăn vào cơ thành tử cung và các cơ quan lân cận trong vùng chậu. Triệu chứng không có nhiều, thường chỉ ra máu. Đối với phụ nữ đã mãn kinh, triệu chứng ra máu dễ gây sự chú ý, nhưng ở phụ nữ chưa mãn kinh, ra máu có thể lẫn với các yếu tố nội tiết khác. Song, may mắn là ung thư này ít gặp.
Có người nghe bác sĩ nói u xơ tử cung thì tưởng bị ung thư, vậy là không đúng. U xơ tử cung lành tính thường gặp, nếu lớn có thể phẫu thuật, nhưng không phải là ung thư.